Giỏ hàng

Cẩm nang sau cưới: Những điều cần biết khi về chung một nhà

Đám cưới - một “happy ending" dành cho một cuộc tình nhưng cũng là cánh cửa mở ra một cuộc sống hoàn toàn khác với cả đôi bên. Khi ta không còn độc thân, khi ta có một người “bạn đời" ở bên cạnh, đồng nghĩa với việc trách nhiệm nhân đôi, khó khăn phải cùng san sẻ. Hãy chuẩn bị thật tốt cho cuộc sống mới, để hôn nhân của bạn viên mãn nhất, để hai bạn cùng nắm tay nhau chầm chậm đi hết cuộc đời này!
 

1. Những điều nên thống nhất trước khi cưới
 

  • Tài chính gia đình

Dù tiền bạc là một vấn đề tương đối “nhạy cảm", hai bạn vẫn nên thống nhất với nhau một số điểm cơ bản khi hai người về chung một nhà. Lương của hai vợ chồng sẽ xài chung hay xài riêng, nếu xài chung thì phương thức thế nào. Ưu điểm của việc “đồng chủ thẻ" là hai vợ chồng không cần phân chia hay “so đo", nhược điểm có lẽ là sẽ thấy thiếu tự do một chút. Bên cạnh đó, quan điểm về chi tiêu cũng là vấn đề cần được bàn bạc trước cưới. Gia đình nên dành bao nhiêu phần trăm cho thuê nhà, ăn uống, lo lắng chuyện hai gia đình nội ngoại, chi tiêu cho sở thích riêng của hai vợ chồng. Sẽ thật là thảm hoạ nếu một người theo chủ nghĩa “tiêu trước rồi kiếm" và một người “tiết kiệm càng nhiều càng tốt" sống với nhau mà không thỏa hiệp được. Chọn hướng đi nào là tuỳ vào phong cách chi tiêu, thu nhập chung của từng gia đình, tuy nhiên, đây là điều mà hai vợ chồng chắc chắn hãy thống nhất trước khi cưới.

  • Sống chung với bố mẹ chồng hay ở riêng?

Lại là một vấn đề cũng “nhạy cảm” không kém. Mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu" luôn là chủ đề mà mỗi nàng dâu đều lo lắng trước khi tiến tới hôn nhân. Vì vậy các nàng dâu hãy thống nhất chắc chắn với chồng mình và tìm ra phương án hợp ý cả hai vợ chồng nhé!

  • Công việc của vợ chồng sau cưới?

Cả hai vợ chồng đều cùng đi làm hay một người ở nhà nội trợ? Sự nghiệp của ai sẽ được ưu tiên hơn hay cả hai bạn cùng phát triển sự nghiệp. Nếu hai người cùng thuộc kiểu “nghiện việc" thì việc nhà sẽ sắp xếp ra sao?

  • Mong muốn về con cái

Hai bạn muốn cưới xong sẽ có em bé luôn hay đợi 1 đến 2 năm rồi mới có em bé? Hai bạn dự sinh mấy bé, nuôi dạy con theo cách nào, có để ông bà hai bên can thiệp không? Thống nhất việc này sẽ giúp cho hai vợ chồng dễ giải thích hơn với gia đình nội ngoại hai bên, tránh tranh cãi, bớt áp lực cho mẹ em bé sau này.

  • Mong muốn về vật chất

Hay nói đúng hơn là quan điểm về một cuộc sống sung túc, hạnh phúc đủ đầy. Hai vợ chồng chỉ cần kiếm vừa đủ chi phí sống và ổn định hay cần thăng quan tiến chức, có kinh doanh riêng? Quan điểm như thế nào là “đủ sống"? Nếu một người chồng lúc nào cũng lao vào kiếm tiền như thiêu thân sống với một

   người vợ chỉ mong muốn có cuộc sống nhàn hạ, chi tiêu vừa đủ thì rất dễ dẫn đến bất hòa tranh cãi. Hai bạn nên chia sẻ về chí hướng của cả hai để thấu hiểu và hỗ trợ nhau sau này.

  • “Đối nội đối ngoại”

Hai vợ chồng có gửi tiền hay chịu trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ, ông bà, anh chị,... của riêng hai bạn không? Trách nhiệm với hai họ hàng nội ngoại chia như thế nào? Ngày lễ tết hai bạn sẽ về quê nội/ quê ngoại hay đi du lịch? Đối với một số gia đình có lẽ điều này không phải một vấn đề lớn nhưng với một số gia đình khác, đây có thể là vấn đề rất dễ gây tranh cãi.

  • Cuộc sống ngoài hôn nhân

Lẽ dĩ nhiên sau khi kết hôn, hai bạn vẫn có cuộc sống và mối quan hệ của riêng mình nhưng khi đã về chung một nhà, mỗi hành động sẽ ảnh hưởng đến đối phương nên cũng cần bàn bạc cân nhắc. Vợ/chồng có thể đi tụ tập ăn uống riêng với bạn bè của anh ấy/cô ấy không, nếu có thì tối đa bao nhiêu bữa một tuần thì có thể chấp nhận được? Nên đối xử với bạn bè, đồng nghiệp của đối phương như thế nào? Thực tế bí kíp để hôn nhân của các bạn bền vững hơn đó là hai người đều nên dành một chút thời gian cho cuộc sống riêng của bản thân và tôn trọng “khoảng trời riêng" của vợ/chồng mình, trong một chừng mực có thể.
 

2. Dành cho nhau nhiều sự quan tâm “tinh tế"

 

Trước khi cưới, đôi bạn có thể chỉ hẹn hò đôi ba lần trong một tuần, thời gian còn lại là dành cho bản thân. Sau khi cưới, thời gian hai bạn ở bên nhau tự nhiên nhiều hơn, có những thói quen nhỏ nhặt trước bạn không thấy ở đối phương, giờ đột nhiên lại thấy. Hãy dành cho nhau nhiều thời gian hơn vào mỗi tối, mỗi cuối tuần, cùng nhau làm những việc bình dị. Nếu cô ấy là người thích trồng hoa cỏ cây cảnh, đôi khi hãy để ý chăm sóc giúp cô ấy, đừng vô tình đổ gạt tàn thuốc vào gốc cây hoặc quên tưới nước làm cho cây của cô ấy héo rũ. Nếu anh ấy là người thường xuyên phải làm thêm việc buổi tối, hãy thể hiện một chút quan tâm bằng những cốc trà nóng hoặc một vài món ăn nhẹ. Thường thì những quan tâm nhỏ nhặt tinh tế sẽ giúp hai bạn chuyển từ “người yêu" thành “người thân" - mối quan hệ bền vững nhất. 

3. Khoan dung, kiên nhẫn, biết ơn và lắng nghe

 

Hôn nhân đòi hỏi nhiều trách nhiệm. Khi thời gian ở bên cạnh nhau nhiều hơn, lẽ tất nhiên sẽ dễ xảy ra nhiều bất đồng hơn. Không ai sinh ra mà tự nhiên đã hợp nhau, nhưng mọi người đều có thể vì nhau mà thay đổi. Dành cho nhau sự khoan dung và kiên nhẫn, lắng nghe những vấn đề của nhau và đặt bản thân vào vị trí của đối phương để suy nghĩ sẽ giúp cho bạn dễ hiểu và cảm thông với đối phương hơn. Sau khi đã hiểu, vợ chồng bạn hoàn toàn có thể ngồi cùng nhau trao đổi và thoả hiệp. 

Sự biết ơn dành cho nửa kia là cách để hai bạn luôn có cái nhìn tích cực với cuộc sống hôn nhân. Thay vì coi nỗ lực của đối phương là điều hiển nhiên, hãy biết ơn người ấy. Hãy tỏ ra cảm ơn cô ấy khi bạn về nhà sau một ngày làm việc mà có một bữa cơm nóng hổi đang chờ, hãy biết ơn anh ấy những ngày mưa gió nắng gắt vẫn đưa bạn đi làm, đưa con đi học. Khi sự cố gắng dành cho đối phương được ghi nhận,hai bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và trân trọng người còn lại hơn rất nhiều.
 

4. Một chút bất ngờ

Hôn nhân rất dễ trở nên nhàm chán sau một năm đầu tiên, nếu không đan xen những điều bất ngờ. Khi thời gian ở bên nhau nhiều, người ta dễ coi việc có đối phương ở bên cạnh là một thói quen. Mọi sự hồi hộp, háo hức, mong chờ, rung cảm đều phai nhạt đi. Vì vậy hai vợ chồng (đặc biệt là chồng) thi thoảng hãy tạo ra những bất ngờ dành cho cô ấy, “một người vui nhiều người hạnh phúc" mà.

  • Đừng quên những ngày kỷ niệm. Phụ nữ rất nhạy cảm và nhớ lâu, đặc biệt là sau khi có em bé, tâm trạng của phụ nữ lại càng trở nên nhạy cảm. Đừng quên những ngày kỷ niệm hai bạn yêu nhau, ngày kỷ niệm đám cưới, ngày sinh nhật của vợ,... để dành tặng cho cô ấy một món quà thay lời cảm ơn. 
  • Đừng quên những dịp như 8/3, 20/10, valentine,... để dành tặng cho vợ những lời chúc ngọt ngào. Huy Thanh tin rằng bất cứ người phụ nữ nào cũng thích được tặng quà, thích được nhận những lời quan tâm từ người thương yêu nhất vì thế nên không được làm phụ nữ thất vọng nhé các anh!

 

5. Hãy luôn yêu bản thân

Cuối cùng là, dù bạn ở đâu, trong mối quan hệ nào, có gánh bao nhiêu trách nhiệm với người khác trên đôi vai của mình, thì cũng đừng quên yêu thương và cố gắng sống cho chính bản thân bạn. Cho dù bận rộn và cuộc sống của bạn tồi tệ đến mức nào, bạn phải chăm sóc cơ thể và suy nghĩ của mình mỗi ngày. Và cũng đừng đặt ra giới hạn cho cuộc sống của mình, đừng từ bỏ sự phát triển bản thân, chỉ khi bạn đầu tư vào bản thân nhiều hơn, bạn mới hạnh phúc hơn. Khi bản thân mình tự tin, cố gắng, tỏa ra những điều tích cực, vũ trụ sẽ gửi đến cho bạn những điều tích cực.

Hy vọng những chia sẻ trên của Huy Thanh Jewelry sẽ giúp cho những cặp đôi mới cưới khi về chung một nhà sẽ lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia, và trân trọng người bạn đời của nhau. Cùng nhau sánh bước và tận hưởng những ngọt bùi trong cuộc sống hôn nhân để cùng nhau hạnh phúc viên mãn!

Đã xem

Sản phẩm đã xem ×

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng